Trang chủ

Tổng cục thống kê

Bảo mật thông tin cá nhân kinh doanh trong điều tra kinh tế

6/30/2021 12:00:00 AM | 0

Trên 5 triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng điều tra kinh tế năm 2021, tăng mạnh so với năm 2017 do thay đổi phương pháp và số lượng cơ sở kinh doanh cá thể tăng.

Ngày 1/7/2021 bắt đầu thực hiện Tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2. “Khác với những cuộc điều tra trước đây, lần này được thực hiện trên phạm vi rộng hơn, chi tiết hơn nhưng phải bảo mật thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê cho biết.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê

Ngoài việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin (CNTT), Tổng điều tra lần này có gì khác biệt so với những lần trước, thưa bà?

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ 6 nhằm cung cấp thông tin toàn diện về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp (giai đoạn một bắt đầu từ 1/3/2021 đến 30/5/2021) và giai đoạn 2 (từ 1 đến 30/7/2021) sẽ thu thập thông tin toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Lần này, ngoài việc ứng dụng triệt để CNTT, nội dung điều tra tập trung vào thu thập kết quả sản xuất, kinh doanh phân tổ chi tiết theo từng đơn vị hành chính và theo phân ngành kinh tế; số lượng, quy mô và lao động của các đơn vị điều tra; mức độ ứng dụng CNTT...

Cụ thể, so với Tổng điều tra gần đây nhất (năm 2017), thưa bà, lần này có những gì khác biệt?

Đối tượng của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể không có địa điểm kinh doanh cố định (năm 2017 các cơ sở này chỉ được lập bảng kê mà không  thu thập thông tin). Do vậy, khối lượng đơn vị điều tra kinh tế năm 2021 tăng hơn so với năm 2017 do thay đổi phương pháp và số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể tăng lên.

Chúng tôi ước tính cần phải điều tra, thu thập thông tin của trên 5 triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cá thể (và trên 45.000 cơ sở tôn giáo), vì thế phải huy động khoảng 30.000 điều tra viên.

Trong đó khoảng 25.000 điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh). Số điều tra viên còn lại đã được tập huấn, hướng dẫn bảo đảm thực hiện điều tra chính xác, khách quan để có được bức tranh chân thực nhất về khu vực kinh tế rất quan trọng là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

Một điều khác biệt nữa là lần này thu thập thông tin của các cơ sở theo hướng tiếp cận ngành sản phẩm thay vì ngành kinh tế, do vậy việc xác định ngành kinh tế và mã ngành kinh tế tương ứng đảm bảo chính xác hơn. Hơn nữa, do ứng dụng CNTT nên điều tra viên có thể thực hiện việc xác định ngành sản phẩm dựa trên phần mềm tra cứu tự động từ thông tin mô tả sản phẩm, điều này giúp cho việc ghi mã ngành nhanh hơn, kịp thời phục vụ việc khai thác các thông tin chuyên sâu về từng chuyên ngành.

Việc ứng dụng triệt để CNTT trong các công đoạn điều tra, từ việc rà soát, cập nhật bảng kê đến thu thập thông tin tại địa bàn và kiểm tra, giám sát... giúp nâng cao chất lượng thông tin, rút ngắn thời gian điều tra và xử lý số liệu.  

Có một tỷ lệ khá lớn trong số hơn 5 triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cá thể không đăng ký kinh doanh, kinh doanh tự phát, thời vụ. Thưa bà, làm sao xác định được đúng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể?

Nhận diện đúng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc thống kê số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở đó. Trong quá trình thu thập thông tin có thể xảy ra tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể chưa được liệt kê trong danh sách đơn vị điều tra. Trong trường hợp này, điều tra viên cần nắm rõ quy định thế nào là cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, nếu đúng thì thông báo cho giám sát viên để bổ sung trong hệ thống, cập nhật danh sách đơn vị điều tra và thực hiện thu thập thông tin.

Việc chọn đúng mã ngành đặc biệt quan trọng trong việc thu thập các thông tin tiếp theo của phiếu hỏi, đảm bảo phản ánh đúng tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Vì vậy, việc ghi mã ngành sản phẩm (do điều tra viên thực hiện) sử dụng công cụ tra cứu ngành tự động trên phần mềm điều tra cần đặc biệt lưu ý cách mô tả sản phẩm và lựa chọn mã ngành cho chính xác.

Thưa bà, mặt trái của việc ứng dụng CNTT là vấn đề bảo mật thông tin của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh. Vậy làm thế nào để bảo mật thông tin cá nhân?

Tổng điều tra kinh tế lần này ứng dụng triệt để CNTT, đặc biệt công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn. Vì vậy, ngoài việc hiểu rõ, hiểu kỹ các câu hỏi, có kỹ năng khai thác thông tin thì điều tra viên cần sử dụng thành thạo phần mềm điều tra, có thiết bị di động và tuân thủ các quy định về sử dụng thiết bị di động trong quá trình thu thập thông tin.

Điều tra viên cần đặc biệt bảo mật thông tin điều tra và đảm bảo an toàn dữ liệu trong suốt quá trình tham gia điều tra. Và sau khi hoàn thành công việc thu thập thông tin 20 ngày, tất cả điều tra viên phải xóa bỏ chương trình điều tra khỏi thiết bị di động. 

Khác với 5 lần Tổng điều tra kinh tế trước đây, lần này thực hiện điều tra trong bối cảnh dịch bệnh. Thưa bà, làm thế nào đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia điều tra?

Tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương và diễn biến khó lường ở tất cả các địa phương còn lại trong cả nước. Việc tiếp xúc trực tiếp được cơ quan y tế khuyến cáo hạn chế để tránh lây nhiễm dịch, trong khi đó, Tổng điều tra kinh tế giai đoạn 2 yêu cầu một điều tra viên phải thực hiện thu thập thông tin trực tiếp.

Mỗi điều tra viên phải gặp và hỏi đáp trực tiếp bình quân khoảng 205 hộ gia đình, cá nhân kinh danh. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia điều tra (gồm giám sát và điều tra viên) và các cơ sở là đối tượng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp cần hướng dẫn thực hiện thu thập thông tin phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tại địa phương cần trao đổi với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương về những trường hợp đặc thù, có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của những người tham gia điều tra để thống nhất hướng dẫn thực hiện trong thời gian thu thập thông tin tại địa bàn.

Nguồn: baodautu.vn


Bài viết cùng chuyên mục